Trò chuyện với PGS.TS Lê Cự Linh, Viện KHSK VinUni: gieo hạt cho tương lai
Có thể mọi người sẽ bất ngờ khi biết các chính sách như: bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em… được hình thành từ rất nhiều nỗ lực vận động chính sách, mà một trong những khởi nguồn là từ các kết quả nghiên cứu khoa học. Góp phần trong việc đưa ra những bằng chứng khoa học đó là một thành viên rất thân thuộc của VinUni – PGS.TS Lê Cự Linh (Phó Viện trưởng Viện Khoa học sức khỏe – Đại học VinUni) – người đã tham gia và đóng nhiều vai trò quan trọng giúp cung cấp bằng chứng và vận động chính sách.
Là một trong những chuyên gia chủ chốt ở Việt Nam về y tế công cộng, các nghiên cứu của PGS Linh và đồng nghiệp đóng góp quan trọng cho nhiều chính sách lớn về y tế – xã hội cũng như đưa lại những ứng dụng thiết yếu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ phòng chống tai nạn thương tích, tới sức khỏe sinh sản – sức khỏe thanh thiếu niên, và cải tổ giáo dục y khoa ở Việt Nam. Cuộc trò chuyện dưới đây với TS Linh, với khuôn khổ hạn hẹp, chỉ nhằm giới thiệu một vài góc nhìn hết sức ngắn gọn.
Được đào tạo để trở thành bác sĩ đa khoa, vì sao anh lại chọn con đường nghiên cứu khoa học?
Những năm 1995-2000, ngay sau khi tốt nghiệp trường Y, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều vấn đề sức khỏe trong cộng đồng, những vấn đề đó thôi thúc tôi lựa chọn hướng đi sâu vào làm nghiên cứu để giúp giải quyết các vấn đề như thế.
Khi đó, đơn cử là những thông tin về các vụ tai nạn, đuối nước rất thương tâm nhưng không ai biết cụ thể quy mô và gánh nặng xã hội. Muốn có giải pháp can thiệp hiệu quả, trước tiên chúng ta cần biết rõ bản chất và qui mô của vấn đề. Khi đó số liệu về tai nạn thương tích ở Việt Nam hết sức thiếu và thường không tin cậy. Chỉ làm nghiên cứu bài bản mới có thể cho câu trả lời, và từ đó tạo ra nền tảng số liệu tốt, làm cơ sở dựng giải pháp can thiệp, đồng thời giúp chúng ta đánh giá hiệu quả các can thiệp đó theo thời gian.
Kết quả đề tài nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy mức độ khủng khiếp của các tai nạn thương tích (TNTT). Vào những năm đầu thế kỷ 21, gánh nặng bệnh tật / tử vong do TNTT chiếm tỷ trọng lớn (tới 2/3 tất cả các vấn đề sức khỏe tại Việt Nam. Đặc biệt chấn thương giao thông đứng hàng đầu. Ở trẻ dưới 14 tuổi thì đuối nước là nguyên nhân TNTT số 1. Từ các kết quả rút ra, chúng tôi làm việc với các Bộ/ngành để tư vấn xây dựng chính sách phù hợp. Đó là lần đầu tiên Việt Nam có những dữ liệu ở cấp độ quốc gia về tai nạn thương tích để làm bằng chứng cho chính sách và hành động. Bài học thành công này sau đó đã được chia sẻ ở nhiều diễn đàn toàn cầu như tại Đại học Harvard (Mỹ), ở Úc, châu Âu,v.v. và nhận được quan tâm rất lớn. Thậm chí sau đó tôi đã cùng các đồng nghiệp Mỹ sang tư vấn xây dựng mô hình nghiên cứu tương tự tại Trung Quốc, Philippines. Và đến cuối 2007 thì các qui định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thắt dây an toàn khi đi ôtô đã chính thức được Chính phủ thông qua. Bên cạnh đó nhiều chương trình phòng chống đuối nước, dậy bơi cho trẻ em đã ra đời, nhiều biện pháp ngăn chặn lái xe khi say đã được hình thành.v.v. Sau này, nhiều nghiên cứu tiếp theo đã giúp đánh giá hiệu quả có được theo thời gian.
Sau khi học ngành y vì sao anh còn theo học kỹ sư Tin học? Có phải chỉ một lĩnh vực y khoa chưa đủ hấp dẫn, hay là do anh thấy có mối liên quan gì đó giữa khoa học sức khỏe và khoa học máy tính? Việc này giúp ích cho anh như thế nào?
(Cười) Tôi thích tin học ngay từ khi còn là sinh viên y khoa. Khi ra trường y, tôi đâm đơn vào Đại học Bách khoa Hà Nội để học Tin học vì muốn nối dài tiếp đam mê đó. Lý do là tôi nghĩ ngành học này sẽ là một công cụ vô cùng quan trọng cho giảng dạy, nghiên cứu cũng như thực hành y khoa. Theo tôi, các ngành khoa học có sự giao thoa mạnh mẽ và y học của tương lai sẽ rất cần hỗ trợ của công nghệ, đặc biệt là tin học.
Tư duy và tiếp cận liên ngành (inter-disciplinary) đó sau này giúp tôi rất nhiều, từ việc hoàn thành nghiên cứu về chủ đề mang thai ngoài dự định ở phụ nữ Việt Nam (khi tôi học tiến sĩ) – phải ứng dụng nhiều kỹ thuật lập trình, cho tới việc ứng dụng các phương pháp mới khi nghiên cứu, rồi ứng dụng vào việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo.
Chỉ xin đơn cử một vấn đề về kỹ thuật nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản- tình dục ở Việt Nam. Trước đây, nhiều người đã nghi ngờ độ tin cậy của cách phỏng vấn trực tiếp, hay phiếu phat vấn khi chúng ta tìm hiểu các chủ đề nhạy cảm, đơn giản là do các đối tượng nghiên cứu cảm thấy ngượng, không thoải mái khi người nghiên cứu phỏng vấn họ trực tiếp. Trong xã hội, nhiều bạn trẻ chỉ đi vào hiệu thuốc mua bao cao su thôi, còn cảm thấy ngại ngùng. Vậy thử hình dung một thanh niên sẽ phản ứng ra sao khi ai đó phỏng vấn họ và hỏi: “Bạn đã bao giờ quan hệ tình dục với gái mại dâm chưa?” hay một nữ sinh phải trả lời câu hỏi: “Bạn đã bao giờ đi nạo phá thai chưa?”
Năm 2003 nhóm nghiên cứu của tôi đã áp dụng máy tính để cho trẻ vị thành niên và thanh niên tự trả lời các câu hỏi nhạy cảm – nhập thẳng vào máy, so sánh với các nhóm bạn trẻ được người khác phỏng vấn theo cách truyền thống. Đây là kỹ thuật phỏng vấn với sự hỗ trợ của máy tính (Audio-Computer Assisted Self-Interview – ACASI). Cách làm này đưa lại sự riêng tư cao hơn, khiến thanh thiếu niên tự tin chia sẻ thông tin nhạy cảm.
Khi đó, nghiên cứu của chúng tôi là lần đầu tiên ACASI được ứng dụng tại Việt Nam. Kết quả đã cho thấy rõ hiệu quả và độ tin cậy của cách làm này, khi ghi nhận tỷ lệ các hành vi tình dục nguy cơ cao hơn, nhiều bạn tình hơn ở các thanh thiếu niên (được phân bổ ngẫu nhiên) vào nhóm trả lời phỏng vấn trên máy tính. Sau này, nhiều nghiên cứu tiếp theo của tôi cũng như các đồng nghiệp khác cũng khẳng định lại ưu thế của cách làm này khi tìm hiểu về việc quan hệ tình dục ngoài hôn nhân của nhiều cộng đồng dân cư khác nhau ở Việt Nam, và là tiền đề để bây giờ chúng ta sử dụng thậm chí cả máy tính bảng và điện thoại thông tin để thu thập thông tin.
Vậy còn giáo dục đào tạo y khoa, anh đã đến với lĩnh vực này thế nào?
Tôi chọn làm việc cho các trường đại học trong lĩnh vực khoa học sức khỏe ngay từ khi học xong ngành y. Lúc đầu, ngành Y tế công cộng (YTCC) còn rất mới trong bối cảnh Việt Nam. Tôi có may mắn là được đóng góp công sức vào việc xây dựng các chương trình đào tạo YTCC ở bậc đại học cũng như trên đại học hàng đầu ở nước ta. Cuối 2011, chúng tôi được tiếp cận với báo cáo đánh giá của nhóm chuyên gia từ ĐH Harvard, cho ra bức tranh tổng kết 100 năm đào tạo khoa học sức khỏe toàn thế giới (nhấn mạnh vào đào tạo Bác sĩ, Điều dưỡng và YTCC). Báo cáo này được coi là cột mốc thay đổi cục diện giáo dục y khoa toàn thế giới, bởi nó chỉ ra những vấn đề đang tồn tại, tại sao chúng ta cần thay đổi tiếp cận giáo dục trong ngành y, và chúng ta nên làm gì để giải quyết tình trạng này. Nhận ra vấn đề cấp thiết của cải tổ giáo dục, dựa trên báo cáo này, ĐH YTCC (nơi tôi công tác lúc đó) và tất cả các đại học y, điều dưỡng chủ chốt của Việt Nam lúc đó đã nhanh chóng xây dựng một dự án nghiên cứu và cải tổ giáo dục y khoa ở Việt Nam – báo cáo và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Y tế. Tôi tham gia rất tích cực từ quá trình xây dựng cho tới triển khai đề án đó. Việc này giúp chúng tôi thu được rất nhiều thông tin, đánh giá thực trạng giáo dục đào tạo bác sĩ, điều dưỡng, cử nhân YTCC tại Việt Nam và đưa ra các định hướng quan trọng để giúp cải tổ hệ thống.
Ngoài ra, năm 2013, tôi được mời sang biệt phái làm việc tại Viện Sức khỏe và Phúc lợi Gia đình Quốc gia – Bộ Y tế Ấn Độ với tư cách chuyên gia cao cấp. Trong một năm làm việc tại đây, tôi đóng vai trò chủ chốt trong việc thiết kế và triển khai một số chương trình đào tạo cho bác sĩ ở Ấn Độ, xây dựng hệ thống quản lý đào tạo cho họ, cũng như trực tiếp giảng dạy phương pháp nghiên cứu cho các giảng viên trường y, các bác sĩ và chuyên viên, lãnh đạo ban ngành, sở y tế ở nước bạn.
Trở về từ Ấn Độ, tôi được mời sang Vingroup từ 2014 để bắt tay vào dự án đại học, và tôi gắn bó với Vingroup từ đó đến giờ, tập trung vào việc xây dựng VinUni.
Tất cả những nỗ lực mà tôi dành cho lĩnh vực giáo dục đào tạo trong ngành sức khỏe là bắt nguồn từ những nhu cầu cấp thiết của thực tế, cũng như từ tầm nhìn và khát vọng của trường, của đất nước, hay tập đoàn, dù ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đó cũng là mong ước của tôi, vì xét cho cùng, muốn thay đổi chất lượng sức khỏe của cộng đồng, chúng ta phải có đội ngũ chăm sóc sức khỏe tốt, cũng như các chính sách, môi trường và nhiều điều kiện khác để giúp phòng ngừa bệnh tật xảy ra, giúp người dân được chăm sóc, điều trị tốt… Việc cải tổ giáo dục đào tạo trong ngành sức khỏe đóng vai trò cốt yếu.
Tôi nghĩ, những việc mình làm như thể người đi gieo hạt, những hạt mầm của tương lai, dành cho tương lai…
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!