Nhận học bổng vingroup, không nhất thiết làm cho Vingroup
Bài đăng trên Báo Tuổi trẻ: https://tuoitre.vn/vingroup-cap-1-100-suat-hoc-bong-sau-dai-hoc-o-nuoc-ngoai-20190221220044327.htm
Tập đoàn Vingroup vừa công bố trao 1.100 suất học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ về khoa học công nghệ tại các nước phát triển. Để giải đáp những thắc mắc xung quanh chương trình học bổng “khủng” này, Tuổi Trẻ trao đổi với bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Vingroup kiêm Giám đốc Điều hành ĐH VinUni.
Bà Lê Mai Lan cho biết: “Đây là học bổng toàn phần, 100% các chi phí bao gồm học phí, sinh hoạt phí, bảo hiểm, đi lại… sẽ do Tập đoàn Vingroup tài trợ.
Giá trị học bổng sẽ khác nhau phụ thuộc vào chính sách học phí từng trường, theo từng ngành học và chi phí sinh hoạt tại từng quốc gia. Vì vậy, một suất học bổng thạc sĩ có thể lên tới 3,6 tỉ đồng và 1 suất học bổng tiến sĩ có thể lên tới 9,2 tỉ đồng, tùy từng trường hợp cụ thể”.
Ra đi và trở về cống hiến
* Người nhận học bổng có buộc phải cam kết khi học xong sẽ quay về làm việc tại Vingroup hay Việt Nam không? Nếu có, thời gian là bao lâu?
– Các học viên nhận học bổng cần cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ trở về Việt Nam. Họ có thể chọn công tác tại một trong các trường ĐH, viện nghiên cứu công lập của Việt Nam hoặc tại ĐH VinUni hay các viện nghiên cứu/công ty thuộc hệ sinh thái của Vingroup trong thời gian bằng thời gian đã nhận học bổng (thường là 2 năm cho bậc thạc sĩ và 5 năm cho bậc tiến sĩ).
Nếu học viên chọn làm việc cho ĐH VinUni hoặc các viện nghiên cứu/công ty thuộc Vingroup, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để có chế độ đãi ngộ nhân tài hấp dẫn, đảm bảo điều kiện làm việc, nghiên cứu và mức thu nhập xứng đáng để họ tập trung phát huy tối đa năng lực của mình.
Trên thực tế, Vingroup đã và đang thu hút ngày càng nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao tới làm việc tại các công ty công nghệ, công nghiệp và các viện nghiên cứu của tập đoàn.
Trường hợp học viên ở lại nước ngoài hoặc làm việc cho các tổ chức vì lợi nhuận, không phải là các ĐH/viện nghiên cứu công lập của Việt Nam hoặc Vingroup thì học viên cần hoàn lại chi phí học bổng để dành số tài trợ này cho các tài năng khác.
* Danh sách 50 trường mà Vingroup đưa ra đều là những trường lừng danh thế giới. Có một thực tế là những người nếu được nhận làm thạc sĩ, tiến sĩ ở những trường này đều đã thể hiện năng lực xuất sắc. Điều đó đồng nghĩa họ cũng trở thành đối tượng “săn đầu người” của nước ngoài. Vingroup có tính đến điều này và kỳ vọng điều gì sẽ níu giữ chân họ được?
– Theo tìm hiểu của chúng tôi, số lượng người Việt được nhận học sau ĐH ngành khoa học công nghệ (KHCN) tại các trường này rất ít, không quá 300 người trong tổng số hơn 130.000 lưu học sinh du học hằng năm.
Một số trường chỉ nhận 1-2 ứng viên, thậm chí có năm không nhận ứng viên nào từ Việt Nam. Việc được trao học bổng sẽ gia tăng tối đa số lượng ứng viên có cơ hội học tập tại các ĐH hàng đầu này.
Chúng tôi tin tưởng rằng trí thức đều là những người có khát khao đem tài năng và tâm huyết của mình cống hiến cho sự phát triển KHCN của nước nhà. Thực tế hiện nay các nhà khoa học và các chuyên gia gốc Việt giỏi, tâm huyết với quê hương cũng đang trở về Việt Nam ngày càng nhiều.
Đơn cử như giáo sư Vũ Hà Văn (ĐH Yale) hiện đã dành nhiều thời gian về Việt Nam và đang thực hiện các dự án nghiên cứu lớn tại Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn và Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup.
Bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Giám đốc Điều hành Dự án Đại học VinUni
Mở, cạnh tranh, minh bạch
* Bà có thể nói rõ hơn về quy trình xét tuyển cụ thể thế nào? Tiêu chí quan trọng nhất khi xét tuyển là gì?
– Trước hết, cần phân biệt rõ giữa việc được chương trình tuyển chọn cấp học bổng và việc được các ĐH hàng đầu chấp nhận nhập học. Việc được chương trình xét cấp học bổng sẽ gia tăng đáng kể xác suất được nhập học, nhưng việc nhập học vẫn phải theo tiêu chuẩn chuyên môn của các ĐH, qua đó đảm bảo tối đa chất lượng chương trình học bổng Vingroup.
Quy trình xét tuyển hoàn toàn mở, cạnh tranh, minh bạch và miễn phí. Chương trình sẽ tổ chức qua hai vòng: lọc hồ sơ và phỏng vấn, tất cả đều được thực hiện với tiêu chuẩn chuyên môn cao nhất. Ngay từ vòng lọc hồ sơ đã có sự tham gia của các nhà khoa học thuộc dự án ĐH VinUni. Vòng phỏng vấn sẽ có sự tham gia của các giáo sư Việt Nam và nước ngoài có chuyên môn sâu trong từng lĩnh vực.
Tiêu chí xét tuyển quan trọng nhất là tài năng và phẩm chất cá nhân. Chỉ có những ứng viên có ý tưởng mới, cách đặt vấn đề đột phá, giải pháp táo bạo hoặc có thành tích cá nhân vượt trội mới được lựa chọn. Đồng thời, chúng tôi đặc biệt đánh giá cao các ứng viên thể hiện được khát vọng đem tài năng và tâm huyết của mình cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
* Người ứng tuyển tự tìm trường nước ngoài để xác định nơi học tập và được trường đó chấp nhận nếu Vingroup hỗ trợ kinh phí, hay tập đoàn đã có sẵn danh sách trường chấp nhận và phân bổ nơi học nếu ứng viên trúng tuyển?
– Cả hai phương án này đều được chấp nhận và chúng tôi khuyên các ứng viên nên chủ động thực hiện cả hai. Một mặt ứng viên phải chủ động nộp đơn và liên hệ thuyết phục được các giáo sư uy tín nhận hỗ trợ.
Mặt khác, tập đoàn đã có danh sách ĐH mục tiêu và sẽ sắp xếp việc tiếp nhận ứng viên chất lượng của chương trình thông qua các hợp tác, thỏa thuận chính thức. Việc đưa ra quyết định cuối cùng về trường ĐH tiếp nhận sẽ được hội đồng xét tuyển cân đối dựa trên các yếu tố chuyên môn của chương trình và nguyện vọng cá nhân của học viên.
Chương trình “Học bổng KHCN Đào tạo Thạc sĩ – Tiến sĩ Du học tại Nước ngoài” là một cấu phần thuộc “Đề án Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực KHCN Việt Nam” của Tập đoàn Vingroup. Từ năm 2019-2030, Vingroup sẽ xét cấp 1.100 suất học bổng toàn phần (tối đa 100 suất/năm) để đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ tại các ĐH hàng đầu thế giới trong lĩnh vực KHCN. Danh mục 50 trường ĐH mục tiêu là các trường có chất lượng đào tạo xuất sắc trong từng lĩnh vực KHCN, tại các quốc gia có nền KHCN phát triển như Mỹ, Nga, Pháp, Úc, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore… Các lĩnh vực trọng điểm được ưu tiên cấp học bổng bao gồm trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, học máy, điện toán đám mây, an toàn thông tin mạng, mật mã, điều khiển học, tự động hóa, năng lượng tái tạo, thiết kế sản phẩm, robotics, kỹ thuật cơ điện tử, sinh học phân tử, di truyền học… |